Mặc dù nhiều doanh nghiệp ngành dệt may rơi vào cảnh sụt giảm, thậm chí thua lỗ sau một năm khủng hoảng vì COVID-19 nhưng trong đó vẫn có những doanh nghiệp đạt được kết quả kinh doanh tích cực.
Kết thúc năm đại dịch bằng loạt con số giảm
Năm 2020, dưới tác động của dịch COVID-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả kinh doanh kém sắc của nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Báo cáo tài chính quý IV/2020 của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (Mã: TNG) vừa công bố cho thấy doanh thu trong kì đạt gần 955 tỷ đồng, giảm 8,6%, lợi nhuận sau thuế đạt 23,1 tỷ đồng, giảm tới gần 60% so với 56,5 tỷ đồng của quý VI/2019.
Theo lý giải của TNG, do ảnh hưởng của dịch bệnh tại châu Âu, một số đơn hàng khách đã yêu cầu giảm giá bán từ 1-2% so với giá ký ban đầu. Bên cạnh đó, các khoản dự phòng tăng 5 tỷ đồng so với cùng kỳ, các khoản chi phí đầu vào công ty vẫn phải duy trì thanh toán đúng theo quy định và hợp đồng đã ký.
Đối với người lao động công ty vẫn phải bố trí duy trì có việc làm và chi trả lương, các khoản chế độ đúng theo hợp đồng và quy định của nhà nước. Điều này khiến lợi nhuận giảm gần 60% so với cùng kỳ 2019.
Lũy kế cả năm 2020, TNG đạt doanh thu 4.484 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2019, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh xuống còn 152,2 tỷ đồng, chỉ bằng 66% so với 230 tỷ đồng của năm 2019.
Tương tự, Công ty Đầu tư và Phát triển TDT (Mã: TDT) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2020 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 6% và 6,5% so cùng kỳ, xuống 54,5 tỷ đồng và 3,4 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm, TDT ghi nhận doanh thu thuần giảm 25,5% xuống còn 272 tỷ đồng và lãi ròng giảm gần 40% xuống mức 15,7 tỉ đồng. So với kế hoạch 565 tỷ đồng doanh thu, kết thúc năm 2020, TDT mới chỉ thực hiện được đến một nửa chỉ tiêu đề ra.
Tác động của dịch COVID-19 còn nặng nề hơn khi nhìn vào kết quả kinh doanh của Công ty CP Dệt may Gia Định (Mã: GID). Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu quý IV chỉ đạt hơn 4,4 tỷ đồng, giảm sâu so với con số 60,3 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, giá vốn bán hàng giảm hơn 63%, xuống còn 21 tỷ đồng, chi phí bán hàng cũng giảm đáng kể, chỉ còn hơn 2 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái hơn 168 triệu đồng.
Chi phí quản lý tài chính giảm từ 10 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 440,8 triệu đồng nhưng vẫn không thể "cứu vãn" kết quả lợi nhuận sau thuế của GID. Mức lỗ quý IV/2020 lên đến 16,7 tỷ đồng, gấp 3 lần so với mức lỗ 5,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Hay CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Mã: FTM) cũng ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2020 chỉ đạt 36,7 tỷ đồng, giảm 80,7% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh trong khi chi phí tài chính tăng cao gấp gần 2 lần từ 13 tỷ đồng lên hơn 24 tỷ đồng. Hoạt động khác lỗ gần 22 tỷ đồng nên kết quả FTM chịu lỗ sau thuế hơn 49 tỷ đồng, giảm nhẹ so với khoản lỗ hơn 51 tỷ đồng trong quý IV năm ngoái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét